Vietnam Fishing Passion

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

CÂU LỤC CĂN BẢN: LƯỠI LỤC

CĂN BẢN CÂU LỤC: LƯỠI LỤC

Chưa có tư liệu xác định lưỡi lục ra đời từ bao giờ và từ đâu, nhưng tới nay, cách câu này chỉ hiện hữu ở miền bắc Việt nam với nhiều cách chơi khác nhau. Lục bắt đầu di cư vào miền Trung, miền Nam theo bước đi của giao lưu câu cá và bước chân mưu sinh của người cần thủ.
Lục nhận được nhiều khen chê do góc nhìn khác nhau, nhưng hãy chơi, hãy cảm nhận nó và cảm nhận những cung bậc cảm giác mà nó mang lại. Và hãy nhìn lại xem, trong các cách câu ở nước ta, cái gì là riêng của Việt Nam, cái gì là du nhập và cóp nhặt. 
Trong 1 bộ đồ câu có lẽ duy nhất có lưỡi lục là sản phẩm handmade và là tinh hoa của những bàn tay người thợ thủ công miền Bắc Việt nam.
Nhiều người đi tìm lại lịch sử của lục nhưng đều không có câu trả lời rõ rệt. Nhưng 30 năm về trước lục chỉ tồn tại với 1 vài dáng lưỡi và thường các cỡ thép nhỏ.
Trong khảo sát phương cách săn bắt câu cá, có 1 số cách câu có nguyên lý và cách chơi gần giống lục nhưng đơn giản hơn rất nhiều|: câu lưỡi dụm của Nhật và câu rường của miền nam Việt nam, trung quốc.
       Lưỡi lục 
       
       
                                       Lưỡi rường                                   

Lưỡi rụm
Để giới thiệu cho dễ hiểu về lưỡi lục, xin điểm qua chút xíu về cách thức câu lục và các thuật ngữ liên quan tới lục.
                              ảnh minh họa nguyên lý câu lục
Nguyên lý câu lục được minh họa là chỉ dẫn dẫn chi tiết trong phần đầu của: lục căn bản
1. Các thuật ngữ:
-         Đóng: khả năng lưỡi lục xòe ra khi giật đâm vào con cá
-         Bám: các lưỡi đơn của lục bấu dính vào mình cá không bị rơi tuột ra
-         Bong: hiện tượng, lục đã bấu dính vào cá, sau đó bị rời ra, rơi xuống, mất cá.
-         Treo: khi ném, lục quấn mắc vào phao.
-         Giật: động tác giật cần mạnh nhanh dứt khoát. Giật có nhiều cách giật: giật đầu cần: giật búng ngọn cần bằng cổ tay, giật xa bờ: giật mạnh bằng 2 tay, cần tạo 1 góc 120 độ.
-         Vuốt: kéo giật cần câu 1 cách đều tay và nhẹ nhàng.
-         Lật – chống lật: lật là hiện tượng dây linh (thẻo) bị mắc quấn vào các tay lục, không còn nằm ở vị trí chính giữa, khiến cho lục không nằm tư thế bình thường mà bị treo dọc theo dây linh. Chống lật là những biện pháp, cách ném làm mất đi hiện tượng lật lưỡi.
-         Tỳ: hiện tượng cá chạm tỳ, ép đẩy hút dây linh khiến cho phao bị tụt sâu xuống. Có nhiều mức độ tỳ sẽ có tên gọi khác nhau: máy : phao nhấp nháy rất nhẹ nhanh và đều vài cái. Mím: phao tụt nhẹ và đứng im trong khoảng thời gian rất ngắn. Tụt: phao hạ độ cao sâu. Thụt: phao hạ thấp nhiều và lên nhanh. Ngập: phao bị tụt sâu, mất phao dưới mặt nước.
-         Bềnh: hiện tượng lưỡi lục mắc vào con cá, thường do chúng đi ăn, hút thổi mồi, hút luôn vào bộ lục, đau và trồi mình lên khiến phao bị trồi nổi lên cao, trơ bàu phao. Có nhiều mức độ: nhú: phao trồi lên ít và nhẹ, giã gạo: trồi lên tụt xuống liên tục vài cái, bềnh: trồi trơ bàu phao.
-         Cướp lục: cá hút lưỡi dính vào mặt, đau và sợ chạy đi kéo mất phao.
-         số: đây chính là cỡ thép dùng làm lục, tính theo rem: số 7 là dùng thép 7 rem làm lục, 15 là dùng thép 1,5 ly ( 15 rem) làm lục.
-         Dáng: dáng lục bị gọi theo dáng của lưỡi đơn.: thúng, xoài, tay quỷ, móng rồng, hái, mèo ngồi…mỗi dáng chính có thêm các biến thể: thúng mũi ngắn, thúng mũi dài, thúng nằm….
2. Các loại lục: tứ, ngũ, lục và bát
Lưỡi lục: 

Lưỡi tứ: 

Lưỡi ngũ: 

Lưỡi bát: 
Và cuối lục, theo tôi tinh hoa nhất của lục đó chính là lưỡi dựa, 1 cách chơi tinh tế nhất vẫn theo nguyên lý tỳ đè nhưng chỉ với 1 lưỡi đơn.

3. Kết cấu của 1 bộ lục:
3.1             Lưỡi đơn:
Dáng lưỡi đơn sẽ được mang tên của bộ lục và cỡ thép của nó được mang tên cỡ của lục. Ví dụ: lục thúng 9 – có nghĩa lục dáng thúng, thép cỡ 9 rem.
Dựa vào cỡ thép người ta tạm chia thành 3 cỡ: cỡ lục tiểu: thép 4-5-6-7 rem, cỡ lục trung: thép 8-9-10-12, cỡ đại > 13. Ngoài ra còn có những biến thể được làm theo đặt hành tùy cách chơi riêng: lục cúc hay lục đồng xu ( bộ lục bé xíu như chiếc cúc áo măng tô hoặc như đồng xu)
Lục các cỡ 5        6          7          8       9      10     12     13     15
Vỡi mỗi cỡ thép, người ta định hình 1 cách tương đối kích cữ vòng uốn của lưỡi câu tạo ra phom lưỡi. Ví dụ: thép 7 có phom tương đối chuẩn tương ứng – gọi là phom 7. Khi dùng thép 8 uốn lưỡi chủ động theo cỡ phom 7 thì gọi là : hạ phom. Còn khi dùng phom 9,10 hoặc hơn nữa thì gọi là mở phom.
·        Vật liệu – thép sợi nhiệt luyện:
Lưỡi đơn được làm từ thép nhiệt luyện, thường dùng thép lò xo. Trước đây người thợ dùng các loại lò xo có sẵn: lò xo băng tiếp đạn súng AK, K59… hoặc các thép sợi lấy từ vành lốp ô tô hoặc từ cáp chịu lực hoặc lõi thép dây đàn piano…Nói chung là sử dụng các vật liệu thép sợi đã qua nhiệt luyện thành phẩm để làm lưỡi câu. Đặc thù của những loại lưỡi này sẽ phải duỗi thẳng và cắt uốn, đập, mài thành lưỡi câu. Chúng bị mất đi kết cấu thép sau khi gia công nếu như không được ram lại để ổn định lại kết cấu thép. Nhược điểm thứ 2 là chúng làm từ rất nhiều loại thép khác nhau, người thợ không nắm được các thông số nhiệt luyện của thép nên dù có ram lại cũng không biết quy trình ram nào cho phù hợp. Nhược điểm thứ 3 là thép định hình thành phẩm và được tôi ram, khi đó ở các vị trí khác nhau, kết cấu thép khác nhau và lý tính cũng khác nhau. Có vị trí làm mũi rất tốt, có vị trí chỉ làm chuôi lưỡi, nếu lấy làm mũi thì rất dở. Đây là cách làm của nhiều thợ làm lưỡi bằng chủ nghĩa kinh nghiệm và đôi khi họ ram thép chỉ để lấy màu cho đẹp, và nhiều người tự hào vì màu lưỡi họ đẹp. Và nhiều người vì sự huyễn hoặc đẩy những bộ lưỡi của họ với những giá rất cao.
Lò xo băng tiếp đạn súng AK
                K59 
Cáp chịu lực
Thép vành lốp ô tô
Lõi dây đàn piano 


Sau này, đi sâu vào kết cấu thép, những người thợ xuất thân từ các thợ cơ khí bậc cao hoặc những người trẻ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào để làm lục. Họ chủ động lựa chọn các nguồn thép nhiệt luyện có đầy đủ mác thép. Họ nắm được với loại thép phôi cuộn đó, sẽ có lý tính gì, cần ram ổn định thép như thế nào, ủ thép ra sao. Đây là thế mạnh của những người chuyên làm lưỡi chuyên nghiệp dù tuổi đời còn trẻ nhưng họ khiến những người thợ già trước đây lui dần vào bóng tối do mất dần thị phần vì không cạnh tranh được về chất lượng và giá cả.
·        Mũi lưỡi:
Lưỡi đơn của lục là dạng lưỡi không ngạnh ( số rất ít biến thể làm có ngạnh). Mũi được mài nhọn theo 2 dạng chính: nhọn và tròn kiểu mũi kim – gọi là mũi kim, nhọn và sắc cạnh như lưỡi dao- gọi là mũi dao. Riêng mũi dao có 2 loại: loại mũi dao trên và 1 loại ngoài mũi dao trên còn có mũi dao dưới.
Mũi kim :          
                    
Mũi dao :
Mũi dao là loại mũi dễ gia công nhất dù là 1 lưỡi dao trên hay cả trên và dưới. Mũi kim rất khó gia công, nó đòi hỏi người thợ có kỹ năng mài rất tốt và tỷ mỷ mới có thể làm được những mũi kim sắc lem và bền mũi. Có rất nhiều người thợ chỉ có thể làm mũi dao mà không thể làm mũi kim. Chúng rất dễ mất mũi trong quá trinhg mài.
Có 1 câu rằng: nhìn vào viên đá mài máy, sẽ biết chất lượng mũi người thợ làm ra như thế nào. Có rất nhiều loại đá mài khác nhau, chúng sẽ cho phép người thợ đạt được những mũi lưỡi chất lượng khác nhau. Biết lựa chọn, biết dùng loại đá mài phù hợp sẽ quyết định được chất lượng của mũi lưỡi.
Với những bộ lục cỡ nhỏ, thép nhỏ và đặc biệt trong câu lục bềnh, mũi kim cho độ bén cao hơn, độ bền mũi cao hơn và ít rơi lưỡi hơn.
Vậy những bộ lục săn hàng cỡ lớn, có nên làm mũi kim không. Ngược lại không nên làm, chúng cần làm các mũi dao, có thể làm 1 dao hoặc 2 dao tùy ý.
Lưỡi lục là hàng hoàn toàn thủ công nên theo cách chơi tùy người và tùy theo cảm nhận của người thợ thì có nhiều cách biến thể về mũi khác nhau: mũi thẳng hay khoằm, mũi ngắn hay dài, dao trên ngắn hay kéo dài tới phần lưng, mũi mài nhọn thon mảnh hay tù, mài thêm dao dưới hay không.
Một số người đặt làm thêm ngạch cho lưỡi lục: ngạnh trên với hy vọng chống lại những cú bong đáng tiếc. Cới ngạch trên, phần dao mũi lưỡi sẽ vuốt kéo dài tới hết phần ngạch.
Mũi thẳng                  mũi khoằm
Dao trên                     dao trên và dao dưới
Mũi ngạch dao trên
Dao trên ngắn
Dao trên vuốt dài
Ngạch trên: 
·        Các khâu gia công lưỡi đơn của lục:
B1. Cắt thép phôi: các sợi thép được cắt thành từng đoạn bằng nhau có độ dài đủ làm cho 2 lưỡi đơn. Độ dài khác nhau tùy theo dáng lưỡi và cỡ thép.
B2. Các đoạn thép ngắn này được uốn định hình theo dáng lưỡi bằng các loại kìm phom. Có nghĩa ví dụ với lục thúng số 7 sẽ có riêng 1 loại kìm phom chỉ làm lục thúng số 7 mà thôi. Mỗi dáng, mỗi cỡ có 1 loại kìm khác nhau. Trong quá trình uốn luôn cần ướm thử trên khuôn mẫu để đảm bảo các lưỡi được uốn đều nhau. Các khuôm phom này thường được tạo thành hình trên miếng kim loại mềm: miếng chì dày.
B3. Các đoạn thép được uốn 2 đầu định hình này được đập dẹt, dẹt đều dần cho tới gần tới chuôi lưỡi.
B4. Các đoạn thép 2 đầu mang 2 lưỡi đó được mài bằng đá mài máy quay, với các loại mũi dao thì việc mài sẽ như vậy, còn với dáng mũi kim thì đoạn thép được mài trước khi uốn thành hình. Ban đầu với các cỡ lớn, họ cần mài thô định hình trước sau mới mài tinh.
B5. Cắt và đập chuôi lưỡi: Lưỡi được mài được cắt theo cữ để đảm bảo dài ngắn đều nhau. Phần chuôi sẽ được đập bẹt. Với 1 số thép nhiệt luyện cao, thép đập sẽ bị chẻ đuôi nên cần ủ nhiệt trước khi đập. Một số thợ người ta đốt chuôi thép cho mềm để dể đâpk bẹp, điều này làm giảm độ cứng của thép rất nhiều. Chuôi lưỡi đã được đập dẹt, sẽ được mài cho nhắn hết gờ sắc.
B6. Ram lưỡi: cả mẻ lưỡi cùng loại thép sẽ được ram cùng nhau cùng quy trình thay đổi tùy theo mác thép. Một số thợ đặt số lưỡi câu đó trên miếng thép đặt trên bếp gaz hoặc đôi khi chỉ là con dao. Bằng kinh nghiệm nhìn màu họ cảm thấy đạt. Một số thợ dùng lò cao tần để ram lưỡi.
Đến đây là hoàn thành các công đoạn để ra những lưỡi đơn được chờ để buộc tết tạo hình thành 1 bộ lục hoàn chỉnh. Để thành mạch, tôi xin đữa ra các bước tiếp theo và sẽ mô tả kỹ trong các mục sau.
B7. Buộc tay lưỡi: thông thường ứng với mỗi cỡ thép, có 1 cỡ dây cước (dây nilon mono) nhất định để buộc tay lưỡi. Ngoài ra còn tùy theo yêu cầu của người câu mà quyết định dùng tay lưỡi nhỏ hơn hay to hơn, nhưng dù to hay nhỏ cũng nên chọn loại tay lưỡi có độ bật tốt. Cùng 1 cỡ và 1 loại tay lưỡi, để tay lưỡi càng dài thì tay lưỡi càng mềm. Có 2 cách buộc tay lưỡi: buộc bằng nút thắt và buộc bằng quấn dây thép.
Việc buộc tay lưỡi bằng quấn dây inox nhỏ vẫn đảm bảo chịu lực khi buộc tạo ra các gối lưỡi và chuôi lưỡi tạo khấc. Sau khi buộc xong cần nhỏ keo cỗ định cho nút quấn. Cách quấn này giúp hạn chế lật lưỡi khi ném do mắc dây linh vào các nút. Trong khâu thao tác buộc cần giá đỡ kẹp kiểu êtô nhỏ.
Trái lại, với cách buộc tạo nút, hoàn toàn bằng tay không, trên mặt bàn có các cọc để buộc và đôi khi cần cán gỗ để tăng lực kéo.

Nút thắt buộc :
 Nút quấn dây thép: 
B8. Tết lục:
B9. Buộc nhân dù
B10. Vào chì:
3.2             Tay lưỡi:
-         Tay lục được làm bằng các sợi dây nylon lớn, chúng như khớp nối để khi giất, lục đi lên, dưới sức cản của nước, lưỡi lục sẽ xòe ra như vuốt mèo, hướng mũi lên trên để bập vào mình cá. Cùng 1 cỡ dây nylon, tay lưỡi càng dài sẽ càng mềm và ngược lại. Ngoài ra nhiệm vụ của tay lưỡi còn giữ cho lưỡi đơn của bộ lục đứng thẳng, không vẹo đổ sang bên.
-         Dưới sức giằng quẫy của con cá, lục sẽ bị biến dạng đi, phần biến dạng chính là các tay lưỡi. Cần nắn chỉnh lại lục trở lại dáng ban đầu.
-         Có 2 loại nút buộc tay lưỡi vào lưỡi đơn của lục: nút thắt nơ và nút đơn (đã mô tả ở trên). Ưu điểm của lưỡi buộc bằng cách quấn dây inox sẽ không tạo nút nổi cộm, hạn chế được hiện tượng rắt dây linh, từ đó hạn chế được treo lưỡi. Nhưng nút quấn bằng dây inox chỉ áp dụng cho các cỡ lục trung và cỡ lớn, không áp dụng được cho lục cỡ tiểu.
-         Một số người sau phiền toái về biến dạng lục do tay lưỡi yếu đã đưa ra cách dùng ty lưỡi kép, xoắn vặn thừng. Nhưng cách này không hữu hiệu do bị tăng sức cản nước.

-         Một số người cầu kỳ hơn sử dụng cáp thép làm inox. Một số dùng dây căng vợt tennis để làm tay lục với hy vọng tăng sức chịu lực.
-         Với các bộ lục bị biến dạng tay lưỡi, có thể căng bộ lục vào miếng xốp tròn và ngâm bộ lục vào nước nóng, dây nylon sẽ duỗi ra trở lại dáng ban đầu.

3.3             Chì
Chì lục có tác dụng giúp lục đủ nặng để neo lưỡi chống lại sóng gió, giúp phao cắt sóng gió đồng thời giúp trọng tâm của bộ lục nằm thấp nhất và ở chính giữa tâm lục, giúp bộ lục không bị treo mắc lật khi ném xa.
Chì lục nguyên thủy là dạng chì dưới, hình trụ. Có 2 lỗ để gắn lục vào chì.
         Chì lục hình trụ :

         Chì lục hình tháp: 

         Chì lục dưới có nón úp : 

         Chì trên: 
Chì dưới nguyên bản thường được quy chuẩn theo cỡ lục, nhưng tùy ý người câu có thể thay đổi gắn chì nặng hơn vào cỡ lục nhỏ hơn. Hoặc họ có thể thay đổi chiều cao viên chì lục, làm lục thấp đi hoặc làm viên chì hình tháp để giảm sức cản nước và tăng hạn chế lật treo lục.
Để giảm sức cản nước khi giật, có thể sử dụng 1 nón chụp xỏ qua nhân dù dây buộc linh, úp lấy mặt trên viên chì.
Sau này chì dưới dạng chóp được đúc và dùng cho lục, chúng có tác dụng rất tốt cho giảm sức cản và tăng tốc độ đi lên của lục khi giật. Nhưng chì dưới sẽ có nhược điểm làm tăng tỷ lệ bong cá.
Chì chóp dù dưới hay trên chỉ có tác dụng với cách đánh tỳ, tức là phải giật khi câu.
Chì chóp không nên áp dụng cho câu bềnh và hơn thế với cách câu đầu cần việc làm này không cần thiết.
3.4             Nhân dù buộc linh
Nhân dù được làm bằng dây dù (braid), được tạo vòng chờ và buộc cố định vào chính tâm bộ lục. Vòng chờ này sẽ là vị trí để buộc dây linh. Nhân dù cần nằm chính tâm của lục, vòng sẽ nhỏ và ngắn nếu dùng cho cách câu bềnh và câu đầu cần, khi không cần lắp chống lật. Vòng chờ sẽ dài nếu lắp ống co hoặc các cách chống lật khác.
Chống lật bằng cách quấn dây fluocarbon
Chống lật bằng ống dây plastic hoặc ống co nhiệt
Một số cách chống lật khác được làm đơn giản bằng dùng dây đồng sợi nhỏ quấn gia cố phần dây dù buộc linh và 1 phần dây linh.
Riêng trong lục bềnh, việc chống lật cho lục rất khó thực hiện do nếu lắp chống lật cứng sẽ làm giảm hiệu xuất bềnh. Việc lắp mồi vào chính giữa nhân dù lục bằng lưỡi ốc và cố đinh nó tại đó giúp chống lật rất tốt. 

Đang cập nhật hình ảnh, xin thông cảm...
Bài viết có sử dụng 1 số hình ảnh của các tác giả khác.
Bslongha- Trẩn Việt Long






4 nhận xét:

  1. Rất hay và ý nghĩa, cám ơn bác nhé

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Cách nay khoảng trên bốn mươi lăm năm em đã thấy có người câu rồi, vì lý do lúc đầu là chùm 6 lưỡi nên gọi là câu lục. sau này biến thể 4, 8 lưỡivv nhưng nói chung là số chẵn cho rễ buộc đối xứng và rễ làm. nhiều hay ít lưỡi phụ thuuọc rào độ nông sâu do người câu chọn vì nó liên quan đến lực cản của nước. Mũi lưỡi câu phải sắc bén để rễ đóng cá. Nhưng chế tạo mũi kim lầ rễ hơn các bác ạ nó tròn đều rễ mài trên máy, nếu làm lưỡi có ngạnh thì phải mài nhọn sau đó làm ngạch sau các bác nhé. Nếu mài mũi lưỡi câu dạng lưỡi mác cũng rất khó đấy các bác ạ. Đầu tiên sợi thếp tròn phâỉ lám hơi bẹt ra sau đó phải mài bốn chiều rất khó. nhưng loại lưỡi này cùng một tiết diện dòng cáo to ít bị oải lưỡi (doãi lưỡi) hơn thép tròn các bác ạ. nó khỏe hơn loại mũi tròn nếu

    Trả lờiXóa