Lưỡi câu là một yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định đến sự thắng thua của cần thủ, đặc biệt là những rê thủ cá lóc, đây là trường phái câu khá khó tính trong việc sử dụng lưỡi.
Lưỡi câu lóc yêu cầu trước tiên phải thật cứng, độ xuyên tốt vì thông thường phải đánh ở khoảng cách xa, thứ nữa là ngạnh phải sắc và sâu vì cá lóc rảy lưỡi rất giỏi. Từ dọc Bắc Trung Nam mỗi nơi các rê thủ có một kiểu dùng lưỡi khác nhau, ngay cả trong một vùng miền mỗi người chuộng dùng lưỡi theo một kiểu, do đó việc chơi lưỡi theo kiểu nào tùy thuộc vào thói quen cũng như sở thích của các cần thủ.
Chung quy lại một điểm, ai đã từng câu cá lóc đều muốn tự mình làm ra chiếc lưỡi riêng cho mình, thích hợp cho cách đánh lóc của bản thân. Mặc dù nói lưỡi câu lóc yêu cầu cao về kỹ thuật nhưng lại không quá khó để làm ra, vì những chiếc lưỡi này đều thuộc hàng có kích thước lớn nên hầu hết anh em có thể tự làm thủ công được, mặt khác tự tay làm ra một cái lưỡi câu bằng cách nào đó người cần thủ đã thổi hồn mình vào cọng thép vô tri vô giác, thả vào đó niềm đam mê bất tận, sự kiêu hãnh, kỳ vọng... nhìn cái lưỡi câu làm ra có thể thấy được cái Thần của tác giả qua những đường cong nhọn hoắt, sắc lẻm và đầy sát khí.
Qua thời gian tìm tòi rồi mày mò làm thử, bản thân rút ra được một số kinh nghiệm non nớt đưa lên để giới cầm dũa tham khảo, xin nhắc lại đây chỉ là cách làm lưỡi của một tay Amateur (Không hơn không kém) nên có gì thiếu sót xin được chỉ bảo tận tình.
Thông thường nguyên liệu để làm lưỡi lóc là lò xo quân khí (AK, K54, AR15) loại lò xo trong hộp tiếp đạn, lò xo trong bố thắng xe máy cũng có thể làm lưỡi rê Lóc với những ai mới tập làm đang e ngại độ cứng của những của nợ trên, tuy nhiên loại này chỉ nên dùng cho các Form lưỡi nhỏ, ngắn...
Nên chọn các loại lò xo thép đen để làm lưỡi vì loại này thường cứng và độ sắc bén rất cao, thép trắng ưu điểm không rỉ rét nhưng độ sắc kém hơn hẳn và rất khó khăn cho việc tán mỏng đầu thép để lấy ngạnh nếu như không dùng đến nhiệt
Sau khi đã có được nguyên liệu rồi, việc đầu tiên cần làm là tán mỏng đầu que thép để lấy ngạnh. Trước tiên bạn phải có một bộ đe búa thật tốt vì nếu dùng đe búa chợ thì chắc chắn cái bị tổn thương là đe búa của bạn chứ không phải que thép bạn định tán



Trên hình là bộ đe búa dùng để tán thép lò xo AK, chiếc đe là đầu trên quả đạn 105 đã được tôi (Trui) bởi một thợ rèn có kinh nghiệm, chiếc búa được gia công bằng cây thép trục các đăng xe Ô tô
Để lấy ngạnh dễ dàng cũng như yên tâm là sống lưỡi luôn ít bị dẹt hơn khi bị búa tán, bạn nên dũa trước một gờ nổi cách mũi chừng 5-7mm tùy theo bạn thích lấy mũi lưỡi ngắn hay dài.

Dùng búa tán nhẹ,đều tay, chính xác về phía sẽ lấy ngạnh đến khi nào dẹt thì thôi, chú ý nên trở que thép lại và tán cả hai phía, hạn chế tán vào phía sống lưỡi, phía không lấy ngạnh để cọng lưỡi luôn được chắc chắn, nếu tán nhiều phía này cọng thép sẽ mỏng manh dễ gãy ngang góc ngạnh ( Nhất là khi lưỡi bị đóng mạnh vào hàm trên). Một điểm cần lưu ý nữa là khi bạn tán về một phía thì cọng thép có xu hướng cong về phía bên không được tán, để tránh tình trạng này bạn nên bẻ cong cọng thép một chút về phía bên sẽ lấy ngạnh rồi hãy tán, khi dẹt ra nó sẽ được cân bằng lại.

Que thép đã được tán dẹt

Khi đã tán dẹt cọng thép một cách ưng ý rồi, bạn dùng một cây dũa tam giác loại bình thường vuốt vào hai bên que thép tạo 2 rãnh hờ (Khe ngạnh), dùng dũa dẹt hơn tạo cho khe ngạnh sâu xuống, cuối cùng lấy chiếc cưa sắt đã mài dẹt hai bên cò cưa cho khe ngạnh sâu đến đáy là được.
Lấy hai rãnh bên bằng cây dũa tam giác loại thô

Làm sâu ngạnh bằng cây dũa dẹt

Làm ngạnh sâu đến đáy đường cắt bằng lưỡi cưa


Chỉnh sửa cho khe ngạnh bằng cây dũa tam giác loại dẹt, nhỏ



Dùng một miếng giấy nhám loại mịn (Tốt nhất là dùng giấy nhám nước) cuốn quanh ruột cây bút rồi mài lên mặt trên ngạnh để tạo hình.Bạn có thể lấy keo 502 gián chặt miếng giấy nhám vào ruột cây bút cho tiện sử dụng


Việc còn lại của bạn chỉ là trau chuốt cho mũi lưỡi được khoằm hơn, như vậy độ xuyên của lưỡi sẽ cao và ít bị bẻ mũi hơn nếu mũi thẳng, mặt khác mũi khoằm sẽ được giấu kỹ hơn trong bụng nhái, ít vướng phải rong rêu hoặc các chướng ngại vật khác
Sau khi đã hoàn chỉnh phần mũi lưỡi, bạn dùng cây dũa dẹt cẩn thận trau chuốt cho cọng thép lưỡi được mịn màng và tròn đều hơn, cọng théo càng ít gờ chừng nào thì càng dễ uốn chừng ấy. Bây giờ đến công đoạn uốn lưỡi, bạn cũng cần hết sức tỉ mỉ và cẩn thận vì dễ bị mũi ăn vào tay, mặt khác khi đã uốn lưỡi thì chỉ được phép uốn một lần, nếu hình dáng lưỡi không được như ý muốn thì cũng coi như đã vứt bỏ, không nên cố làm thẳng ra mà uốn lại nữa. Để uốn lưỡi bằng thép lò xo AK như trên thì chỉ cần dùng cây kìm cắt là được, bạn đừng ngại chiếc kìm sẽ ăn vào làm xấu lưỡi vì thép này cứng lắm, uốn xong hầu như không thấy dấu vết nào của cây kìm trên cọng lưỡi. Trên hình là cách mô phỏng uốn lưỡi loại lớn, loại này bạn nên uốn theo kiểu lưỡi lép và dài, không nên uốn tròn vì khi móc vào nhái, cá táp dễ bị “ Bập bênh lưỡi” và tỉ lệ xóc lưỡi sẽ không cao.



Chuốt lại mũi lưỡi sau khi uốn



Toàn bộ các thứ gọi là đồ nghề làm lưỡi câu

Khán giả bất đắc dĩ


- Chú bác sĩ ơi, chú làm chi đó?
- Chú đang làm lưỡi câu!
- Chú làm cho mẹ cháu một cái được không chú?
Chết!!! Lạy phật, con nít 2 tuổi sao mà nói được câu này vậy ta? Ớn quá!!!